Lịch sử Google_Talk

Ý tưởng về một dịch vụ nhắn tin của Google dựa trên Jabber đã được đề xuất bởi Eoban Binder trên trang web Applexnet.com vào ngày 23 tháng 8 năm 2004.[1]

Chính xác một năm sau, say khi có tin đồn về một dịch vụ "công cụ liên lạc" mang thương hiệu Google xuất phát từ báo New York Times[2] và sau đó được đề cập kỹ lưỡng hơn trên tờ Los Angeles Times số ra ngày 22 tháng 8 năm 2005, tên miền con talk.google.com được phát hiện có chứa một máy chủ Jabber đang hoạt động.[3] Hai phương pháp để đăng nhập vào máy chủ đã được phát hiện ngay sau đó và sự hưởng ứng nồng nhiệt của các blogger tò mò đã khiến cho phương cách đăng nhập lan truyền rộng rãi trước khi bản chính thức được Google phát hành.

Vào đêm ngày 23 tháng 8, nhiều người dùng đăng nhập bằng cách dùng cổng 5222 để kết nối đã bị thoát ra ngoài và không thể kết nối lại được. Những người dùng cổng 5223 để kết nối vẫn có thể đăng nhập, và vào 04:12:52 UTC những người dùng đó đã nhận được một tin nhắn hàng loạt từ gmail.com, một tên đăng nhập rõ ràng là chính thức của Google, nói rằng "Đường kết nối bị đứt nay đã được sửa chữa. Cám ơn vì đã là những người dùng đầu tiên của chúng tôi!" Việc kết nối qua cổng 5222 đã được phục hồi. Vào ngày 24 tháng 8, Google Talk đã chính thức ra mắt.

Vào ngày 15 tháng 12 năm 2005, Google phát hành libjingle, một thư viện C++ để hiện thực Jingle, "một tập các phần mở rộng cho Giao thức Nhắn tin mở rộng được và hiện hữu (Extensible Messaging and Presence Protocol – XMPP) của IETF để dùng cho thoại qua giao thức Internet (VoIP), video, và những phiên truyền nhận đa phương tiện ngang hàng khác".[4] Libjingle là một thư viện các đoạn mã mà Google sử dụng cho giao tiếp ngang hàng, và được phát hành dưới giấy phép BSD.[5]

Vào ngày 7 tháng 2 năm 2006, Gmail đã thêm tính năng chat với một chương trình Jabber tích hợp.

Vào ngày 14 tháng 3 năm 2007, Google đã phát hành Google Talk Gadget, một tổ hợp Talk trên nền web có thể thêm vào iGoogle (trước đây à Google Personalized Homepage) hoặc nhúng và bất kỳ trang web nào, do đó, cho phép người dùng có thể chat trên nhiều hệ điều hành khác nhau mà không cần phải cài đặt vào máy tính.[6]